GIAO HƯỞNG SỐ 3, MI GIÁNG TRƯỞNG, OP.55, “EROICA”
Giao hưởng số 3 – Bản giao hưởng Anh hùng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử âm nhạc giao hưởng: Nhạc giao hưởng trở thành một thiên sử thi ghi lại những dấu mốc thời đại hay những câu chuyện oai hùng và oanh liệt.
Bốn chương của bản giao hưởng là bốn hồi của một thiên tiểu thuyết sử thi. Âm thanh rất lớn với những cú đánh rất mạnh của dàn nhạc ở ngay Chương 1 đưa người xem vào ngay trung tâm của những sự kiện lịch sử đang gây chấn động châu Âu lúc bấy giờ với sự xuất hiện và tung hoành của Napoleon Bonaparte – nguồn cảm hứng để Beethoven sáng tác bản giao hưởng này. Âm nhạc mang tính tương phản rõ rệt: chủ đề chính sáng chói đối đáp với chủ đề phụ dịu dàng xen kẽ là những câu nhấn đầy kịch tính đưa người nghe bước vào không gian một trận đánh chống lại cái ác. Những bài ca cổ vũ chen lẫn những âm thanh náo động lúc xung trận để rồi sau đó là giây phút yên lặng và đau thương tưởng niệm những người đã hy sinh.
Chương 2 là khúc nhạc tang lễ với giai điệu buồn thương nhức nhối trong nhịp điệu hành khúc chậm rãi. Hành khúc phát triển thành bức bích họa tang lễ long trọng với những cảnh tượng đầy bi thương nhưng vẫn còn đó tinh thần anh hùng quả cảm. Hành khúc kết thúc trong những tiếng vọng phía xa của chủ đề chính buồn thương.
Chương 3 mang màu sắc lãng mạn. Nhịp điệu nhảy quãng liên tục cùng âm thanh huyền bí như đang mô tả cảnh rừng núi mơ mộng trong những truyện thần thoại Đức.
Sự phát triển tư tưởng của Giao hưởng số 3 “Anh hùng” được hoàn thành trong Chương 4. Cuộc chiến đấu gian khổ chống lại cái ác đã kết thúc thắng lợi. Cái thiện cất tiếng ca khải hoàn. Beethoven hưởng ứng không khí chiến thắng bằng nét nhạc tươi sáng và không khí hội hè náo nhiệt. Chương cuối là khúc biến tấu trên hai chủ đề. Trong khi biến hóa, các chủ đề tạo ra một chuỗi những đoạn chen có tính chất nhảy múa pha trộn với sử thi, trữ tình. Toàn bộ các cảnh tượng được liên kết với nhau trong màu sắc rực rỡ huy hoàng.