GIAO HƯỞNG SỐ 25, SOL THỨ, K.183
Bản giao hưởng số 25 nằm trong số các “giao hưởng Salzburg” được sáng tác vào tháng 10/1773. Với những đoạn nhảy quãng rộng và các chủ đề âm nhạc biến hóa không ngừng, tác phẩm này mang những đặc trưng tiêu biểu của phong cách Sturm und Drang thịnh hành tại Đức khi đó (Sturm und Drang là một trào lưu nghệ thuật trong lĩnh vực âm nhạc và văn chương Đức chủ trương những quan điểm cá nhân chủ quan và các thái cực cảm xúc của con người cần phải được diễn tả một cách tự do, ngược lại với những ràng buộc của chủ nghĩ duy lý đương thời). Đoạn mở đầu với những hợp âm rải sau này được Beethoven lấy làm cảm hứng khi soạn bản sonate đầu tiên cho piano, với nét giai điệu được lấy làm chủ đề chính của chương 1.
GIAO HƯỞNG SỐ 29, LA TRƯỞNG, K.201
Giao hưởng số 29 là một tác phẩm quan trọng của Mozart, thể hiện trong đó nhiều cảm xúc cá nhân, được thể hiện gần gũi, kết hợp phong cách thính phòng với cách xử lý mạnh mẽ.
Chương 1 theo thể sonate, chủ đề chính duyên dáng đặc trưng bởi những giảm quãng và bè kèn cor đầy đặn. Chương 2 vẫn theo thể sonate với dàn dây chơi rất nhẹ và dàn kèn xuất hiện hạn chế. Chương 3 menuet đặc trưng với những đoạn ngắt (staccato), phần trio đem lại sự tương phản dễ chịu, đáng yêu. Chương cuối mạnh mẽ đầy uy lực, thêm một chương theo thể sonate, kết nối với chương 1 qua những giảm quãng ở chủ đề chính.
GIAO HƯỞNG SỐ 31, RÊ TRƯỞNG, K.297 “PARIS”
Giao hưởng số 31 thường được gọi là “Bản Giao hưởng Paris” được sáng tác năm 1778, lúc đó Mozart 22 tuổi đang sống tại Paris và không thành công như mong muốn. Với tác phẩm này, Mozart được giới một điệu đương thời ca ngợi như gương mặt nổi bật của một lớp nhạc sĩ mới. Và bản thân tác phẩm cũng chứng minh khả năng thích ứng của Mozart với những nhu cầu, sở thích thưởng thức của khán giả. Chính vì thế mà tác phẩm có màu sắc Pháp này khá khác biệt với những giao hưởng khác của Mozart. Bản giao hưởng này còn được chú ý nhiều bởi nó có 2 chương Andante khác nhau (có bao gồm cả hai trong bản ghi âm mà bạn đang cầm trên tay), và rất phổ biến lúc đương thời, được nhiều dàn nhạc và nhà hát biểu diễn liên tục.
Ở Giao hưởng số 31 không có chương 3 menuet như truyền thống giao hưởng thời cổ điển, chỉ có 3 chương với cấu trúc nhanh-chậm-nhanh. Chương 1 mở đầu với gam Rê trưởng có cường độ mỗi lúc một tăng. Chương 2 dìu dặt và quyến rũ với những đoạn ngắt, mang dáng dấp một điệu vũ. Chương 3 rạo rực và mê say mang không khí hội hè.