- Hãng SX
- : Phuong Nam Phim
- Phát hành
- : 03/2010
GIAO HƯỞNG SỐ 40, SOL THỨ, K.550
Trong bộ ba giao hưởng, bản Sol thứ giữa vị trí một khúc intermezzo trữ tình, đầy màu sắc thương cảm. Giao hưởng số 40 đứng riêng biệt trong sáng tác của Mozart về tính lãng mạn, và có lẽ là tác phẩm được nghe nhiều nhất của Mozart với đoạn mở đầu, cũng là chủ đề chính chương 1 rất quen thuộc.
Chương 1 bắt đầu với chủ đề chính xuất hiện tức khắc, đầy xao xuyến, xúc động. Sự thương cảm, đau xót càng tăng dần lên trong phần phát triển với cảm xúc dào dạt. Đoạn cuối chan chứa một nỗi buồn thầm lặng.
Chương 2 đầy trầm lặng và suy tư. Xuất hiện một chủ đề mới dịu dàng, phảng phất buồn. Sự phát triển của tất cả các chủ đề đều mang những nét lo âu, buồn bã.
Chương menuet mở đầu nghiêm túc và chững chạc sau đó xuất hiện những điệu nhảy của giới quý tộc.
Chương cuối xuất hiện những hình tượng gần gũi với chương 1. Kịch tính lúc mở đầu nay thể hiện rõ hơn. Với chuyển động sôi nổi, nhanh, hình thức gọn gàng, chương cuối Giao hưởng số 40 mang tính trần thuật khách quan.
GIAO HƯỞNG SỐ 41, ĐÔ TRƯỞNG, “JUPITER”, K.551
Đây là bản giao hưởng cuối cùng của Mozart, khép lại bộ 3 tác phẩm đỉnh cao của một sự nghiệp vốn đã thừa lẫy lừng. Giao hưởng số 41 được coi là tác phẩm giao hưởng có quy mô lớn nhất của thế kỷ 18. Mang tên Jupiter – Thần Zeus, tác phẩm giống như một thiên sử thi hùng tráng, tràn đầy tinh thần lạc quan quả cảm và sự cao nhã, trang trọng.
Chương 1 tràn đầy khí sắc sáng sủa và niềm vui tràn ngập. Các chủ đề đều mạnh mẽ, cương quyết nhưng lại không thiếu sự mềm mại, duyên dáng, đặc trưng phong cách Mozart.
Chương 3 menuet linh hoạt mà vẫn nhẹ nhõm, phần trio xuất hiện nét giai điệu nhảy múa khi linh hoạt vui tươi, khi trầm tĩnh trang trọng.
Chương 4 là một mẫu mực tuyệt vời cho tài nghệ lỗi lạc của Mozart. Chủ đề chính của chương cuối được Mozart lấy từ một khúc hát thời trung cổ, trên cơ sở đó, một bức tranh lộng lẫy và đồ sộ được hoàn thành. Sự hòa hợp các chủ đề diễn ra phong phú mà vẫn đảm bảo tính chất nhẹ nhàng, trong sáng. Sự phong phú hình tượng âm nhạc, sự tác động và làm phong phú lẫn nhau của các hình tượng đã khiến chương cuối trở thành cao trào của cả tác phẩm.