GIAO HƯỞNG SỐ 32, SOL TRƯỞNG, K.318
Giao hưởng số 32 được sáng tác vào năm 1779 sau khi Mozart trở lại Paris. Tác phẩm theo hình thức các overture Ý với 3 chương ngắn nối tiếp nhau. Trước đây, bản giao hưởng này từng được cho là khúc mở màn các vở opera của Mozart như Thamos Vua Ai Cập hay Zaide nhưng sau đó được xác định là không đúng. Sau này, Mozart có sử dụng tác phẩm làm khúc dạo đầu cho buổi biểu diễn vở opera La villanella rapita của Francesco Bianchi.
Chương 1 mở đầu với hình thức sonate, không lặp lại. Sau đó, trong đoạn phát triển, xuất hiện chủ đề đầu tiên. Vào đúng lúc cao trào thì âm nhạc đột ngột chuyển sang chương 2, chương chậm, có hình thức rondo. Một lần nữa, sự bất ngờ trở lại, khi người nghe đang chờ sự lặp lại của khúc rondo, thì được dẫn ngay vào chương cuối với phần phát triển chủ đề thứ nhất của chương 1, tiếp sau đó, hai chủ đề chương 1 được tóm tắt theo thứ tự đảo ngược.
GIAO HƯỞNG SỐ 35, RÊ TRƯỞNG, “HAFFNER”, K.385
Bản giao hưởng số 35 có tình huống ra đời khá thú vị. Nhân dịp ngài Haffner, một người bạn của gia đình Mozart được phong một tước vị quý tộc, Mozart đã sáng tác bản giao hưởng sau này được đặt tên Haffner.
Ban đầu, tác phẩm được dự định là một khúc nhạc chiều (serenade), sau đó Mozart chỉnh sửa lại cấu trúc để từ một tổ khúc 6 chương trở thành một giao hưởng.
Chương 1 có chủ đề chính khoáng đạt và hăng hái. Những nhạc tố trích dẫn từ chủ đề chính chạy từ bè này sang bè kia, đôi khi biến dạng. Âm nhạc rất giàu cảm xúc của chương 1 tương phản với chương 2 andante trầm tư mang sắc thái đồng quê. Chương 3 menuet duyên dáng và hóm hỉnh. Chương cuối rực rỡ và bay bổng.
GIAO HƯỞNG SỐ 36, ĐÔ TRƯỞNG, “LINZ”, K.425
Mùa xuân năm 1781, Mozart và hôn thê Constanze trên đường trở về thành Vienna đã dừng chân ở thị trấn Linz, ghé thăm gia đình một vị bá tước có con dâu đang theo học piano với Mozart. Vào những ngày cuối của cuộc viếng thăm, Mozart đã vẽ những bức tranh phong cảnh nơi đây, đó là nguồn cảm hứng để Bản Giao hưởng số 36 “Linz” ra đời.
Tác phẩm được sáng tác chỉ trong vòng 4 ngày trước khi diễn ra buổi biểu diễn đầu tiên, và nó cũng đáng dấu một giai đoạn mới trên hành trình sáng tác giao hưởng của Mozart khi tài năng đã vào độ chín. Âm nhạc vang lên đầy tự tin cho thấy sự chín chắn của tác giả cộng với tâm lý thảnh thơi thư giãn giữa khung cảnh tươi đẹp ở Linz, thoát khỏi những ngày mệt mỏi trước đó ở Salzburg.
Mở đầu bằng một chương chậm, mang nhiều dấu ấn Haydn – lần đầu tiên Mozart dùng thủ pháp này. Ảnh hưởng Haydn bàng bạc khắp tác phẩm, qua suốt 4 chương, lên cả các chủ đề. Chương menuet là một vũ khúc với những nét giai điệu sau này còn xuất hiện trở lại trong các vở opera Don Giovanni và Đám cưới Figaro. Ở các chủ đề trong chương cuối, lại một lần nữa Mozart tỏ lòng kính trọng đến Haydn.