Mới phát hành

Trang chủ   |   Giới thiệu   |   Tin tức   |   Liên hệ   |   Điểm bán   |   Thành viên   |   Site map

“Diễm xưa – Utsukushii Mukashi”. Nhạc Trịnh Việt - Nhật, và những giai thoại…

Năm 2013 là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Nhật, nhiều người khi cầm trên tay chiếc album nhạc Trịnh có nhiều bài hát song ngữ này chắc sẽ cho rằng các nghệ sĩ đang ăn theo dịp kỷ niệm quan hệ hữu nghị của hai quốc gia có truyền thống tương trợ lâu đời này. Thật ra câu chuyện của album tưởng niệm NS Trịnh Công Sơn năm thứ 12 của Hồng Hạnh và Thái Hòa mang tựa đề “Diễm Xưa – Utsukushii Mukashi” có nhiều chi tiết lý thú hơn như thế…

Diễm xưa, một cái tên ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã quá đỗi thân quen, đi vào cả văn học đến ngôn ngữ đời thường của dân Sài Gòn. Những kẻ mộng mơ, yêu văn thơ thường triết lý với nhau “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Còn những người bình dân thì lại trêu đùa nhau kiểu “xưa rồi Diễm ơi”. Và từ khi Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm này, có lẽ phải đến hàng trăm nghìn lần ca khúc Diễm xưa của ông được hát trong các đêm diễn từ trong ra ngoài nước. Còn trong những hẻm hút lao động đời thường, người yêu nhạc Trịnh vẫn thiết tha ru dỗ cuộc sống quá bộn bề lo toan bằng câu hát vượt thời gian của ông.

Album Diễm xưa Việt - Nhật
Abum Diễm xưa Việt Nhật - Utsukushii Mukashi
Phương Nam Film phát hành 11/2013

Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng đằng sau những ca từ tuyệt đẹp kia, vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều giai thoại lạ lùng mà tôi như đã vỡ òa, mới đây thôi, khi phát hiện ra mình sao vẫn còn mơ hồ quá về những ẩn dụ sâu xa trong Nhạc Trịnh. Rồi tôi chợt ngộ ra vì sao ca từ và giai điệu của Diễm xưa đã luôn là đại diện tiêu biểu nhất để song hành cùng những ý tưởng sáng tạo vô tận cho chúng tôi trong suốt 12 năm qua… Diễm xưa thật ra đã có một đời sống văn hóa vô cùng rộng lớn vượt ra ngoài biên giới, xuyên suốt tâm hồn Việt trong hơn 4 thập kỷ qua – vẫn còn là một ẩn số. Xin chia sẻ những giai thoại về Diễm xưa như là hơi thở của cuộc sống âm nhạc Trịnh Công Sơn qua chừng ấy năm chiêm nghiệm của một tín đồ trong nhạc Trịnh…


Giai thoại thứ nhất: từ Diễm xưa của những cậu bé…

Tôi biết hát Diễm xưa từ hồi bé tí vì Trịnh Công Sơn là bạn thân với má tôi thời sinh viên ở Đại học Văn Khoa, trong cái ý nghĩ trẻ con thời học sinh mỗi khi hát cứ hình dung về một cô Diễm xinh đẹp, trong suốt, thong thả những bước chân nhẹ nhàng dưới những hàng cây long não bên bờ sông Hương… nơi mà Trịnh Công Sơn đã diễn tả về chất Huế đẹp như tranh thủy mạc. Câu hát “làm sao em biết bia đá không đau…” còn đi theo tôi cùng lời giới thiệu pha chút tiếu lâm của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu: “Tui chưa thấy ai kỳ cục như Trịnh Công Sơn, toàn hỏi người yêu những câu quá khó… Thử hỏi quý vị có ai biết bia đá có đau không?”. Tuổi thơ dân Sài Gòn chúng tôi đã lớn lên cùng qua những đêm nhạc ở Hội Trí Thức Yêu Nước thời những năm 80 như thế đó.


Giai thoại thứ hai: Diễm xưa của thời thanh niên vô tư lự…

Rồi những tháng ngày tiếp theo, rong ruổi trên xứ người của cậu sinh viên nghèo vẫn mang Diễm trong tim cùng mối tình đầu tan vỡ. Như liều thuốc an thần của Trịnh để thầm hy vọng, hẹn hò người xưa một “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” hòng tạm quên đi những vất vả và trăn trở đời thường. Thi thoảng trong các buổi văn nghệ cộng đồng ở Canada, tôi vẫn ôm guitar thùng lên hát Diễm xưa, để lòng mình tung tăng theo lời hát, chẳng nghĩ ngợi gì sâu xa mà chỉ biết lời ca đẹp và buồn man mác, thế thôi…

Cho đến ngày tôi trở về Việt Nam làm việc và hội ngộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được lang thang ca hát với ông ở quán Trịnh, quán Nhạc sĩ của Những người bạn. Diễm xưa có đôi lần được hát qua nhiều phong cách khác nhau. Tôi thì vẫn trung thành với guitar thùng, còn Trịnh Công Long Frank Gerke lại hát Diễm xưa kiểu Rock… Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi xem vẫn luôn cười rất hiền và chấp nhận hết. Đôi lần ông giảng giải cho chúng tôi nghe về sự tích của Diễm xưa, Hạ trắng và những trầm tư của ông qua các trang viết “Đò đưa”. Giai thoại thứ ba: Diễm xưa trên nền Sonate Ánh trăng…

Ngày Trịnh Công Sơn về với đất mẹ, chúng tôi thẫn thờ, thương tiếc, tôi ôm guitar thùng ngồi mấy đêm liền bên linh cữu để hát Diễm xưa, Hạ trắng, Cát bụi, Tình xa,… Rồi buổi trưa ngày 4/4/2001 đấy tôi dặn lòng sẽ tưởng nhớ ông bằng hành động tiếp theo trên con đường âm nhạc mà Diễm xưa đã là một huyền thoại. Tôi còn nhớ đã từng cùng các kiến trúc sư trẻ đưa ra ý tưởng 5 dòng kẻ nhạc bằng thảm cỏ và các hòn đá lớn đặt trong khuôn viên ngôi mộ Trịnh Công Sơn với các nốt nhạc sau cùng của “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”

Một hôm của năm 2001, Hoàng Công Luận, người bạn tài năng của chúng tôi đã ngẫu hứng sáng tác bài phối Diễm xưa trên nền bản Sonate Ánh trăng trong album tưởng niệm. Ban đầu đã dự tính nhờ 1 giọng nữ hát, nhưng khổ nỗi cô không thể vào được nhạc trên nền bản phối cổ điển phương Tây của Beethoven nên sau cùng Luận bảo tôi: “Thôi, chỉ còn cách là chính chú chơi được piano classic nên hãy tự hát bài này luôn đi…”. Và thế là lời hát thơ “chantre” Diễm xưa trên nền Sonate Ánh trăng của Beethoven đã theo tôi đi qua biết bao miền đất nước, tiếng hát bay trên 4 châu lục mà tôi đã từng làm việc, chỉ còn thiếu mỗi Châu Phi.


Giai thoại thứ tư: Diễm xưa của những tranh biện về ca từ…

Những năm sống xa quê hương, tôi bắt đầu nghiền ngẫm và hiểu nhạc Trịnh theo cách khác, tôi tìm cách kết nối từng người bạn chung quanh Trịnh Công Sơn, hàng năm ca hát, tưởng niệm ông mỗi dịp ngày 1/4, làm các album tưởng niệm gởi về phát hành trong nước, cũng là dịp để ráp nối lại những mảnh ghép riêng biệt của nhiều người về âm nhạc Trịnh Công Sơn trong lòng của bạn bè, công chúng. Kỳ lạ thay, bức ghép cứ ngày một lớn mãi, phi thường.

Giữa Paris mùa hè năm 2002, chúng tôi đã quyết định lập một trang web riêng cho nhạc Trịnh. Cái tên miền www.tcs-home.org được ra đời với bao ngộ nhận, thị phi, nhưng đã đứng vững suốt 12 năm qua và trở thành địa chỉ tin cậy nhất của ca từ và nốt nhạc hơn 300 ca khúc, vài nghìn bài viết, hình ảnh, thơ văn về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Diễm xưa lại một đôi lần là ca khúc nổi bật. Khi tôi tham gia sưu tập và hiểu ra từng câu, từng chữ của các ca khúc qua các bản viết tay… Tôi được biết chính xác là “chiều nay còn mưa sao em không lại, nhỡ mai trong cơn đau vùi” chứ không phải là “nhớ mãi” như các ca sĩ vẫn hay hát sai theo cao độ của nốt nhạc, và kể cả một nhà nghiên cứu “tự phong” ở California từng bình loạn về ca từ Trịnh Công Sơn trên báo chí hải ngoại. Thủ bút của tác giả từ các bằng chứng sưu tập của bạn bè khắp năm châu gởi về đã chứng minh nhiều ngộ nhận cho nhạc Trịnh trong đó có Diễm xưa.

Diễm xưa – Utsukushii Mukashi
Diễm xưa – Utsukushii Mukashi, Thái Hòa & Hồng Hạnh

Giai thoại cuối cùng: Vỡ òa nhân duyên Việt - Nhật và tầng tháp cổ…

Trong những tháng thu âm album này tôi lại phát hiện ra những điều hết sức độc đáo của ca khúc này qua một người bạn thân của Trịnh Công Sơn từ Pháp về cung cấp. Nào có ai ngờ rằng cái “tầng tháp cổ” của Diễm xưa không phải là Chùa Thiên Mụ ở Huế, cũng chẳng giống Tháp Chàm như người đời thêu dệt, mà lại là cái “tháp cổ” trắng nõn nà của người con gái tuổi đôi mươi. Dù sẽ khó xác minh giai thoại này có thật hay không, nhưng cá nhân tôi thấy chi tiết này quá “đắt” và phù hợp lô-gic với toàn bộ phần đầu của ca khúc: tháp cổ, dài tay, thưở mắt xanh xao, reo mòn gót nhỏ, cho mắt thêm sâu… chẳng phải đều là những chi tiết tuyệt đẹp trên cơ thể của một nhân ảnh đó sao (?)

Một người bạn khác từ Nhật trở về lại đem cho tôi một cảm nhận khác về cảm nhận của công chúng Nhật Bản qua đoạn cuối của câu chuyện tình buồn mang tên Diễm. Người Nhật thông qua các Việt kiều đã dịch và hát Diễm xưa hơn 30 năm qua. Utsukushii Mukashi đã trở thành bài hát karaoke được ưa thích hàng đầu của xứ sở hoa anh đào. Nhưng bạn đã yêu bài hát không chỉ ở khía cạnh tình ca mà còn hiểu Diễm xưa trong ngữ cảnh của chiến tranh Việt Nam từ thập niên 60: có một người lính đã nằm xuống trong bom đạn của chiến tranh và tác giả chứng kiến người yêu của anh lính đến thăm bia mộ người yêu cứ thưa dần theo năm tháng. Trịnh Công Sơn viết giùm cho người đã khuất những lời ca ai oán, nhớ thương, hờn trách “làm sao em biết bia đá không đau!”. Nhưng đến ngày người con gái phải đi lấy chồng thì người lính nằm kia cũng hóa đá và tỉnh ngộ ra sự thứ tha, thấu hiểu, để thầm hẹn ước với nàng trong duyên kiếp của luân hồi… Thôi thì “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”

Khi nghe tôi chia sẽ tâm tư về Diễm xưa và mời tham gia album này,Hồng Hạnh hưởng ứng ngay khi mà lời hứa sẽ hát lại nhạc Trịnh của cô với anh Sơn mãi còn chưa thực hiện. Qua sự giới thiệu của chú Cao Lập và những đêm hát tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng nhau tại Hội Quán Hội Ngộ đã bén duyên cho album Diễm xưa này… Nhưng với cá tính vô cùng mạnh mẽ, Hồng Hạnh tuyên bố: anh Thái Hòa này, tụi mình sẽ hát Diễm xưa thật khác nhé!

Tôi đã rất lo vì cái bóng của Diễm xưa qua giọng hát Khánh Ly đã là huyền thoại, và cách tôi hát như níu kéo thời gian chậm lại trên nền Sonate Ánh trăng cũng đã hơn 10 năm tuổi rồi đấy, đã thành một thói quen như hơi thở hàng ngày. Sao có thể làm mới được đây?

Thật lòng tôi cám ơn NS Đức Thịnh đã miệt mài tìm kiếm ra trong bản phối mới này, một phong cách Jazz, đúng như bản chất của nó phải nghe lại vài lần sẽ thấy rất “ngấm” và vô cùng mới lạ. Hai giọng hát Việt - Nhật hát lệch nhau về ngôn ngữ, cao độ và phong cách mà sao vẫn tràn đầy như suối tưới. Hơi thở Nhật trong từng câu chữ sao vẫn thiết tha đến vậy, duyên của Hồng Hạnh với Nhật Bản như đã trả lại ân tình về cho Diễm nơi đây.

Cám ơn ca sĩ Hồng Hạnh hát tiếng Nhật quá chuẩn (điều này tôi đã làm kiểm tra với các bạn Nhật từ Hitachi sang làm việc tại Việt Nam) và đắm say, vượt trên tầm ngôn ngữ,để thật phiêu diêu, tình tứ trong bản phối bằng chất liệu Jazz đương đại, mà không hề làm mất đi cái đẹp nàng Diễm của ngày xưa.

Với cây đàn guitar trong tay, người ca sĩ tóc xõa đầy lãng mạn của đất Sài Gòn đã tiếp tục bay cùng chúng tôi trong âm nhạc Trịnh Công Sơn như cô Diễm của ngày nay… Và tin rằng nhiều lắm những điều lạ lùng trong cuộc đời này, sẽ tiếp tục bay lên như thế cùng nhạc Trịnh.

 

Thái Hòa, Tháng 11/2013

Viết cho ngày ra mắt Album “DIỄM XƯA – UTSUKUSHII MUKASHI”
Thái Hòa
« Quay lại trang trước Số lần xem: 9862
Bản in   Gửi bạn bè
Phim truyện Việt Nam
  • Phương Nam Corporation
  • Phuong Nam Book
  • Nhà sách Phương Nam Online
  • Megastar Cineplex
  • E Book