Nhạc ngoại quốc lời Việt: Hào quang chưa tắt
Bên cạnh sự trường tồn những ca khúc nhạc xưa có giá trị lớn, đời sống showbiz hiện tại còn tồn tại một “dòng chảy” âm nhạc khác cũng có sức bền không kém. Đó là những bài hát nhạc ngoại quốc nổi tiếng được đặt lời Việt, phần lớn đó là những tác phẩm nhạc cổ điển bất hủ, những bài hát tiếng Anh, Pháp… có tuổi thọ từ chục đến vài trăm năm, gắn bó với các thế hệ người nghe qua nhiều giai đoạn
.
Một trong những sản phẩm bán chạy nhất Hội chợ băng đĩa vừa qua (26 - 29/9 tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM) là album nhạc cổ điển lời Việt của cố nhạc sĩ Phạm Duy -
Khúc ca ly biệt vừa được Phương Nam Phim cho ra mắt. Ngày phát hành CD, có một cậu bé 13 tuổi đến hội chợ tìm mua bằng được với một lý do khá cảm động: “Bà ngoại em bệnh nặng, nằm liệt giường mấy năm nay, đọc báo thấy thông tin về CD nên rất muốn nghe, em đi tìm mua về cho bà…”.
Âm nhạc thường mang theo bên mình những hồi ức, kỷ niệm của người nghe. Bài hát, ngoài việc chuyển tải thông điệp của người sáng tác, còn lại chuyện cảm nhận tùy thuộc vào nhân sinh quan, văn hóa đời sống của khán giả, điều này thì quan trọng hơn vì chính nó quyết định “sức sống” lâu bền của tác phẩm. Bà ngoại của cậu bé, có lẽ ở những ngày cuối đời, sống hoài niệm, nhớ về quá khứ nhiều thì việc bà cảm thấy hào hứng với một album như vậy cũng đủ làm những người sản xuất đĩa nhạc, gia đình cố nhạc sĩ Phạm Duy… cảm thấy mãn nguyện!
Từ du nhập đến Việt hóa nhạc trẻ
Giai đoạn đầu thế kỷ XX là thời kỳ có nhiều biến chuyển với âm nhạc Việt Nam. Sau Thế chiến thứ 1, người Pháp cùng với nền văn hóa Tây phương du nhập vào Việt Nam, người dân được tiếp xúc nhiều với văn hóa lãng mạn Pháp. Âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ bị ảnh hưởng nhiều bởi âm nhạc phương Tây, không chỉ những sáng tác của các nhạc sĩ tiền chiến mang phong cách châu Âu mà khá nhiều các bài hát nhạc Pháp đã được du nhập.
Để dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận, một số nhạc sĩ đã soạn lời Việt cho những ca khúc này. Đây là thời kỳ mà các bài hát nhạc Pháp như:
Creola, Signorina, Sous
Les
Ponts De Paris, Un
Jour
Loin
De
Toi, Celle
Que
J’aime Eperdument, Les
Gars
De
La
Marine, L’Oncle
De Pekin, Guitare
D’amour… được phổ biến rộng rãi trong công chúng với phần lời ca bằng tiếng Việt mà tác giả lời Việt phần nhiều được biết dưới cái tên Mai Lâm.
Đến thập niên 1950 khá nhiều ca khúc nổi tiếng trong các bộ phim nước ngoài làm mưa làm gió trên màn bạc miền Nam lúc ấy như
Whatever Will Be Will Be (được Doris Day hát cực kỳ ngọt ngào trong bộ phim
The Man Who
Knew Too Much),
The
River
Of
No
Return (trong bộ phim cùng tên với tiếng hát của cô đào Marilyn Monroe)… được chuyển ngữ tiếng Việt với tác giả mà đến giờ vẫn nhiều người chẳng biết là ai, Cô Hằng.
Thập niên 1960, nhạc sĩ Phạm Duy nổi lên như một hiện tượng không chỉ với những sáng tác của ông mà còn với việc soạn lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc (bao gồm cổ điển Tây phương, dân ca thế giới, nhạc pop Anh, Pháp, Mỹ…). Một số ca khúc nước ngoài nhờ ông đặt lời Việt mà trở nên phổ biến ở Việt Nam như:
Em đẹp nhất đêm nay (La
Plus
Belle
Pout
Aller
Danser),
Ôi giàn thiên lý đã xa (Scarborough
Fair)
, Những mùa nắng đẹp (Seasons
In
The
Sun),
Khi xưa ta bé (Bang Bang),
Khúc hát thanh xuân (When We Were
Young),
Dòng sông xanh (Danube Blue)
…
Ngoài Phạm Duy được nhắc đến như một người soạn lời Việt hay và nhiều cho các bài hát quốc tế còn phải kể đến một số cái tên khác như: Lữ Liên, Trường Kỳ, Khúc Lan, Vũ Xuân Hùng, Nam Lộc, Nguyễn Duy Biên, Tùng Giang… Đó là thời kỳ Việt hóa nhạc trẻ bắt đầu vào năm 1972 mà người khởi xướng là nhà báo Trường Kỳ.
Phóng tác hay cần sát nghĩa?
Không chỉ chuyển soạn cho nhiều bài hát nước ngoài, nhạc sĩ Phạm Duy còn được biết đến như là một người đặt lời Việt sát nghĩa nhất cho những ca khúc nước ngoài. Dù được hát với ngôn ngữ không phải nguyên bản nhưng đa phần lời của ông luôn bám sát ngữ cảnh của câu chuyện trong bài hát.
Nhạc sĩ Quốc Bảo thuộc “trường phái” ủng hộ việc viết lời Việt sát nghĩa của bản nhạc gốc. “Tôi cho rằng việc chuyển thể sát lời gốc rất quan trọng. Ngôn ngữ âm nhạc (giai điệu) và ca từ gốc vốn đã bổ sung cho nhau thành một chỉnh thể, nói lên một ý nghĩa nào đó mà tác giả gửi gắm rồi, nay dịch sang ngôn ngữ khác, ta phải tôn trọng. Thậm chí, độ ngân vang của từ cũng phải cố giữ đúng. Không chỉ với các bài hát cổ điển mà với những sáng tác của Sting, Simon & Garfunkel… sau này cũng vậy, phải sát lời gốc”, vị nhạc sĩ này khẳng định.
Nhạc sĩ Dương Thụ lại có quan điểm khác: “Tiếng Anh đa âm tiết, tiếng Việt đơn âm và có tới 5 dấu giọng, muốn đặt lời sát lời gốc không phải chỉ có cảm hứng và sự thấu hiểu âm nhạc, nó đòi hỏi nhiều thứ khác, một khả năng ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) thích ứng. Trước khi đặt lời Việt cho một ca khúc nước ngoài ta phải thấu hiểu âm nhạc của nó và ý nghĩa của ca từ. Còn việc đặt lời lại chính là một sự chuyển dịch về văn hóa. Có những bài đặt sát lời gốc sẽ trở thành ngô nghê vì cách diễn đạt tình cảm của người Việt không giống như người nước ngoài có bản sắc văn hóa khác mình, phải tìm một cái gì đó tương tự”.
Thực tế không thiếu những dẫn chứng để chứng minh rằng có rất nhiều ca khúc khác xa nghĩa lời gốc nhưng bản chuyển thể cũng rất “ăn” theo thời gian. Ví dụ như cuộc du hành
500 miles được Trường Kỳ biến thành một buổi đưa tang buồn bã trong mưa -
Người tình ngàn dặm; cuộc hành trình của chàng cao bồi phóng túng
A Cowboy
Work
Is
Never
Done thành bản tình ca đôi lứa
Mây lang thang (Nam Lộc) hay bài hát mang nhiều tính riêng tư
Tell Laura I
Love
Her thành…
Trưng Vương
khung
cửa mùa Thu (Nam Lộc), bài hát nhạc folk
Donna Donna lời Anh là tâm sự của một chú bò con bị mang ra chợ bán và ước vọng tự do khi được chuyển sang lời Việt lại thành sự
Tiếc thương cho cái chết của người yêu (Tuấn Dũng)…
Năm 2008, khi đưa ca khúc nhạc Pháp
Le
Geant De Papier của Sylvain - Jeff Barnel vào album tổng hợp
Tình ca hồngvới phần lời mới do chính mình chuyển soạn có tên gọi là
Hình nhân non yếu, nhạc sĩ Quốc Bảo đã không nhận được nhiều sự đồng thuận của dư luận, phần đông khán giả đã quá quen thuộc và yêu mến với bản lời Việt nổi tiếng
Lạc mất mùa Xuân của nhạc sĩ Lữ Liên đến nỗi không thể chấp nhận bản lời mới này, dù nó sát nghĩa gốc hơn rất nhiều.
Mới đây, khi sử dụng lại ca khúc
Domino (Louis Ferrari - Jacques Plante) để ca sĩ Phạm Thu Hà thu âm cho album mới, nhạc sĩ Đức Trí cũng có ý định nhờ người khác soạn lại lời Việt cho bài hát này bởi hai bản lời có sẵn hiện nay (một của Phạm Duy, thường được hát trước 1975; một của Phạm Lê Phan, đều tên là
Hội mùa hoa) không sát với lời Pháp ngay từ tựa đề
Domino. Nội dung bài hát tràn đầy tình yêu, ca ngợi về cô người tình bé nhỏ Dominique như bông hoa mùa Xuân đã cho thấy tính riêng tư, không dễ gì chuyển ngữ. Liệu lời ca mới, sát nghĩa với bản tiếng Pháp có được công chúng đón nhận hay lại cảm thấy xa lạ?
Trường hợp này cũng giống với “ca” nhạc sĩ Trần Tiến khi ông đặt lại lời ca khúc
Donna Donna (trong album
Du ca đồng quê), cho dù lời đẹp và tiếng hát của tam ca Áo trắng rất dịu dàng nhưng vẫn không làm cho nhiều người quên được bản phổ đầu tiên,
Tiếc thương, của Tuấn Dũng từ hơn 3 thập niên trước. Và đáng nói là cả hai phiên bản đặt lời này đều khác nghĩa hoàn toàn với bản gốc.
Nhưng cũng có trường hợp phiên bản đến sau lại trở nên thông dụng, nổi tiếng hơn phiên bản đầu. Nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời bài
Whatever
Will
Be
Will
Be sau tác giả “Cô Hằng” nhưng phiên bản của ông,
Biết ra sao ngày sau, dường như là độc tôn trong trí nhớ của mọi người. Và cũng chính Phạm Duy phổ lời ca khúc
L’Aventura thành
Cuộc phiêu lưu (với tiếng hát Thanh Lan) lại không thành công bằng người đến sau, Nguyễn Duy Biên, với phần lời Việt được rất nhiều người thuộc lòng,
Lãng du.
Hơn nửa thế kỷ du nhập và tồn tại, những ca khúc nhạc ngoại lời Việt vẫn chảy song hành cùng những sáng tác thuần Việt với nhiều tác phẩm được yêu mến.
(Theo Thể thao và Văn hóa Cuối tuần)
Khánh Nguyễn